Thời gian vừa qua xảy ra rất nhiều vấn đề liên quan đến ngành y, giờ là lúc phân định rõ trách nhiệm", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết tại hội nghị ngày 26/12 về vai trò của chính quyền địa phương trong công tác y tế.
rong năm vừa qua ngành y tế xảy ra một loạt các sự cố như ăn bớt vắcxin; gian lận xét nghiệm; bác sĩ làm chết bệnh nhân phi tang xác; trẻ tử vong sau tiêm vắcxin... khiến dư luận đặt câu hỏi trách nhiệm thuộc về ai.
Ông Đỗ Trung Hai, Phó ban Văn hóa-Xã hội, HĐND TP Hà Nội cho rằng: "Khi xảy ra sự việc thì ai chịu trách nhiệm, tôi cho rằng hiện nay quy định rất rõ, đặc biệt là Hà Nội đã phân cấp rất rõ: cấp phép như thế nào, quận huyện làm gì, thành phố làm gì… Chẳng qua quá trình tổ chức thực hiện nhiều lúc mang tính chất đùn đẩy nên khó".
Theo ông Hai, việc các trạm y tế trực thuộc Sở Y tế hiện nay khiến chính quyền địa phương rất khó chỉ đạo. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, mô hình tổ chức y tế nước ta phân quyền giữa chính quyền địa phương và trung ương trên nguyên tắc song trùng. Bộ Y tế quản lý ngành, chính quyền quản lý địa phương quản lý theo lãnh thổ.
Theo đó, cơ sở y tế vừa chịu sự quản lý chuyên môn y tế do Bộ Y tế ban hành vừa chịu sự lãnh đạo của địa phương về tổ chức nhân lực. Song trùng trực thuộc thì chế độ trách nhiệm xác lập song trùng. Tuy nhiên, trên thực tế việc nhận thức cũng như hành động liên quan đến trách nhiệm của từng chức danh chưa rõ ràng, minh bạch.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: N.P.
"Bộ Y tế chỉ có thể gọi là ban hành, rồi giám sát kiểm tra việc thực hiện thông qua hệ thống thanh tra. Khi có sự vụ gì xảy ra thì Bộ Y tế chịu trách nhiệm nếu như để xảy ra lỗ hổng quản lý. Nhưng nếu xảy ra sự vụ cụ thể, trên địa bàn cụ thể thì chính quyền và cán bộ sẽ chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật", Bộ trưởng Tiến nói.
Lấy ví dụ sự việc xảy ra tại Thẩm mỹ viện Cát Tường, Bộ trưởng Tiến cho rằng trách nhiệm trực tiếp nhất là cá nhân cố tình làm sai pháp luật, sau đó là các cấp quản lý. Đào tạo y 6 năm nhưng nhân cách của con người là cả cuộc đời.
"Tôi sẵn sàng nhận một phần trách nhiệm vì sự việc xảy ra trong ngành của mình, nhưng truy vào văn bản pháp luật quy định thì sao? Cần thấy rõ ngoài trách nhiệm của tư lệnh ngành, trách nhiệm của các tư lệnh lãnh thổ", Bộ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế cũng cho biết, Bộ Y tế không có thẩm quyền xử lý mà chỉ có quyền kiến nghị. Trên thực tế việc xác định trách nhiệm chưa rõ ràng, cụ thể, minh bạch nên khi có vấn đề xảy ra, việc quy trách nhiệm không phải dễ.
Vì thế, theo ông cần luật hóa trách nhiệm để quy trách nhiệm tập thể, cá nhân (Bộ trưởng, Giám đốc Sở, UBND...) một cách cụ thể, rõ ràng, minh bạch. Đồng thời cần nghiên cứu tái cấu trúc hệ thống y tế, hệ thống y tế hiện nay đặc biệt từ tuyến huyện trở xuống đang có những bất cập nhất định.
Nam Phương