Giờ đây, việc truy thu số tiền đã bị các bị cáo tham nhũng là điều vô cùng khó khăn. Vậy làm sao Nhà nước có thể truy thu số tiền đó? Để tìm hiểu rõ hơn các vấn đề pháp lý xoay quanh vấn đề này, PV báo Nguoiduatin.vn có buổi trao đổi với luật gia Đặng Đình Thịnh, Giám đốc trung tâm Tư vấn pháp luật - TW Hội Luật gia Việt Nam.
Mổ xẻ "hành vi đồng phạm" của đối tác nước ngoài
Thưa luật gia, những ngày qua dư luận người dân cả nước đặc biệt chú ý đến việc đưa các đại án ra xét xử công khai như vụ Dương Chí Dũng... Luật gia đánh giá như thế nào về kết quả của phiên tòa vừa qua?
Phiên tòa xét xử vụ đại án tham nhũng đã diễn ra theo quy định pháp luật, hành vi phạm tội của các bị cáo là rõ ràng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nên việc HĐXX áp dụng khung hình phạt cao nhất đối với bị cáo Dương Chí Dũng và bị cáo Mai Văn Phúc cũng là hợp lý. Tuy nhiên, để giải quyết vụ án triệt để, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật cần phải mở rộng điều tra thêm một số cá nhân, tổ chức liên quan có dấu hiệu phạm tội. Mặc dù bản án tuyên các bị cáo phải bồi thường khoản tiền thất thoát, nhưng thực tế Nhà nước thu hồi được số tiền này là rất ít khả thi, vì thực ra Dương Chí Dũng và đồng bọn chỉ nhận khoản "lại quả” không lớn so với tổng số tiền Nhà nước bị thất thoát. Tôi cho rằng cần phải mở rộng vụ án liên quốc gia để thu hồi số tiền từ các đối tác nước ngoài đã có dấu hiệu chiếm đoạ. Đồng thời phải điều tra làm rõ khoản tiền 227 tỷ đồng bị thất thoát trong quá trình đầu tư dự án tại Vinalines.
Bị cáo Dương Chí Dũng và các đồng phạm trước vành móng ngựa.
Xin luật gia phân tích rõ hành vi cấu kết chiếm đoạt tài sản của các công ty nước ngoài trong vụ mua ụ nổi 83M? Trong vụ việc này, Chính phủ Việt Nam cần phải làm gì để thu hồi số tiền mà các công ty nước ngoài đã chiếm đoạt?
Thực chất, đây là một vụ án tham ô tài sản Nhà nước xuyên quốc gia, nên ngoài việc căn cứ Bộ luật Hình sự Việt Nam để xử lý các công dân Việt Nam vi phạm, còn cần phải có sự phối hợp liên quốc gia để bóc mẽ toàn bộ đường dây tham ô, hối lộ. Hành vi đồng phạm của một số cá nhân ở nước ngoài cũng khá rõ. Cụ thể là, thay vì mua trực tiếp từ Nga với mức giá hợp lý, thì Dương Chí Dũng và đồng bọn trong và ngoài nước lập nên hợp đồng "ma" với công ty Global Success và công ty AP để nâng khống giá trị hàng hóa lên gấp nhiều lần, sau đó chia nhau chiếm đoạt.
Hai công ty Global Success và AP đã dàn xếp để nâng giá trị khống, lập hợp đồng ma, chuyển tiền tham ô 1,6 triệu USD cho Việt Nam. AP nhận 700 ngàn USD, Global Success nhận 4,33 triệu USD. Qua thương vụ này, nhóm tội phạm quốc tế này đã chiếm đoạt của Nhà nước Việt Nam tổng số tiền 6,7 triệu USD. Hành vi này không thể không xử lý để thu hồi tiền về cho Việt Nam.
Theo tôi, để làm việc này, Chính phủ ta cần chỉ đạo một cơ quan Trung ương là bộ Công an, viện Kiểm sát tối cao hoặc Tòa án nhân dân tối cao có văn bản yêu cầu nước bạn hỗ trợ tư pháp hình sự theo tinh thần Hiệp định Tương trợ tư pháp về hình sự giữa các nước Asean ký ngày 29/11/2004, và Hiệp định Tương trợ tư pháp và Pháp lý về dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Nga ký ngày 03/06/1999 và các văn bản liên quan.
Luật gia Đặng Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật - TW Hội Luật gia Việt Nam
Xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam
Đối với Công ty Nakhodka (Liên bang Nga) bán ụ nổi 83M mà chất lượng "có vấn đề" thì hợp đồng có giá trị pháp lý hay không? Số tiền đã thanh toán cho công ty sẽ được xem xét như thế nào?
Đúng là Công ty Nakhodka bán ụ nổi không còn giá trị sử dụng. Hàng giao dịch không đúng chất lượng, tiêu chuẩn và không thể sử dụng, về nguyên tắc của pháp luật thương mại quốc tế và pháp luật thương mại của các quốc gia thành viên thì đây là giao dịch vô hiệu.
Bên bán hàng phải hoàn trả lại tiền và bồi thường thiệt hại, tuy nhiên trong vụ án này, do Vinalines không lập hợp đồng mua hàng trực tiếp với Công ty Nakhodka mà phải mua qua đối tác khác là công ty AP. Đồng thời, Hải quan Việt Nam cũng đã kiểm tra chất lượng và cho thông quan, nên thực hiện một vụ án tranh chấp thương mại trực tiếp với công ty Nga để hủy hợp đồng và đòi tiền về là khó khả thi. Tuy nhiên, cần xem xét kỹ nội dung, điều khoản các hợp đồng giao dịch giữa các đối tác liên quan, để có biện pháp khả thi, tìm cách khắc phục thiệt hại.
Trong quá trình yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự, nếu phát hiện thấy Công ty Nakhodka đã có sự bàn bạc trước với các đối tác để tạo dựng "hợp đồng ma", lừa dối để bán ụ nổi "rởm", nâng khống giá trị, thỏa thuận phân chia lợi ích bất hợp pháp với các đối tác Việt Nam và nước ngoài thì đề nghị nước bạn xử lý hình sự đối với công ty này.
HĐXX đã kiến nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) về việc phê chuẩn mua ụ nổi 83M và Ngân hàng Citibank về việc chuyển tiền mua ụ nổi, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Bộ GTVT có trách nhiệm rất lớn trong việc buông lỏng quản lý Nhà nước, không xem xét đánh giá thực tế dự án, không kiểm tra, giám sát về quản lý, sử dụng vốn, đánh giá kết quả kinh doanh của Vinalines.
Về nguyên tắc, Bộ trưởng bộ GTVT phải chịu trách nhiệm toàn bộ về việc quản lý Nhà nước liên quan đến sai phạm của bộ GTVT và các công ty do Bộ quản lý cụ thể là sai phạm nghiêm trọng tại Vinalines.
Đối với Ngân hàng Citibank, quá trình điều tra vụ án, cơ quan cảnh sát điều tra phát hiện hồ sơ thanh toán 9 triệu USD tiền hợp đồng mua ụ nổi 83M của Vinalines với Công ty AP có nhiều vi phạm pháp luật Việt Nam và Hiệp ước quốc tế. Tuy nhiên, Ngân hàng Citibank vẫn thực hiện chuyển tiền cho Công ty AP dẫn tới thất thoát số tiền 9 triệu USD của Nhà nước. Cán bộ Citibank trực tiếp liên quan đến vụ việc đã có dấu hiệu phạm các tội như: Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Cố ý làm trái quy định của ngân hàng về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 285 và 165 của BLHS Việt Nam. Citibank là ngân hàng của Mỹ nhưng chi nhánh ngân hàng hoạt động tại Việt Nam vi phạm pháp luật xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam nên hành vi của cán bộ Citibank được xem xét xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam nếu có việc vi phạm.
Theo Thanh Nguyên
nguồn:24h