Thứ Hai, 16 tháng 12, 2013

Nga triển khai tên lửa chiến thuật sát biên giới châu Âu

Iskander, tên lửa chiến thuật có thể mang đầu đạn hạt nhân, đã được Nga đưa đến khu vực biên giới với châu Âu, nhằm đáp lại việc Mỹ trước đó triển khai hệ thống phòng không gần nước này.

Hệ thống tên lửa hạt nhân Iskander. Ảnh minh họa: Trdefence
Theo tờ Bild của Đức, Nga đã điều động khoảng 10 hệ thống Iskander đến Kaliningrad, lãnh thổ cực tây của nước này và nằm giữa Ba Lan, Litva.
"Hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander đúng là được ủy thác cho lực lượng pháo binh và tên lửa thuộc Khu vực quân sự phía Tây", người phát ngôn bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết.
Động thái trên của Moscow khiến Washington và các nước châu Âu có chung đường biên giới với Nga như Ba Lan phải lo ngại. 
"Chúng tôi đã yêu cầu Nga không nên có hành động làm mất ổn định", AFP dẫn lời bà Marie Harf, phó phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ. Bà Harf cũng cho biết, nước này đã thông báo với Nga mối lo ngại của các quốc gia châu Âu láng giềng.
Bộ Ngoại giao Ba Lan gọi đây là hành động đáng lo ngại và kêu gọi NATO cũng như EU cần có ý kiến tham vấn và hành động phù hợp. Các quốc gia khu vực Baltic nhận định việc Nga điều động tên lửa hạt nhân là tín hiệu báo động.
"Đây rõ ràng là một thông tin đáng báo động, bởi nó thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực. Các thành phố thuộc khu vực Baltic chịu sự đe dọa bởi hành động này", Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Artis Pabriks cho hay.
Hành động này của Moscow được cho là nhằm phản ứng lại việc Mỹ và NATO trước đó triển khai hệ thống lá chắn phòng không nhằm vào Nga. Washington cho rằng hệ thống này là cần thiết để bảo vệ châu Âu.
Trong khi đó, Nga lo ngại hệ thống phòng không của NATO bao gồm cả vệ tinh định vị tên lửa, có khả năng được chuyển hóa thành vũ khí tấn công nước này. Moscow cũng cho rằng hệ thống lá chắn phòng không trong tương lai sẽ được mở rộng đến vị trí có thể đe dọa kho vũ khí hạt nhân khổng lồ của mình. Quan chức Bộ Quốc phòng Nga được RT dẫn lời cho hay các tên lửa đã triển khai từ 18 tháng nay, và NATO không có  lý do gì để bỗng nhiên bày tỏ lo ngại.
Tên lửa Iskander có tầm bắn 500 km và được dùng để đối phó với hệ thống radar cũng như tên lửa đánh chặn của NATO. "Iskander là một loại vũ khí có khả năng ảnh hưởng đến tình hình quân sự và chính trị của một số khu vực trên thế giới", hãng tin ITAR-TASS của Nga bình luận. Tuy nhiên, công ty tư vấn tình báo toàn cầu Stratfor ước tính, chỉ khoảng 60 tên lửa trên được sản xuất từ nay đến năm 2015.  
Đức Dương
nguồn: vnexpress