Thứ Ba, 3 tháng 11, 2015

Nên để thị trường vay tiêu dùng phát triển theo hướng nào ?

Thị trường cho vay tín chấp, nhất là cho vay tiêu dùng cá nhân hứa hẹn sẽ bùng nổ khi gần đây hàng loạt công ty tài chính thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước được mua lại bởi các ngân hàng thương mại trong quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước.


Hình thức cho vay tiêu dùng (CVTD) đã được các ngân hàng, công ty tài chính quan tâm phát triển mạnh trong thời gian qua. Thúc đẩy CVTD đang được xem là một biện pháp hiệu quả nhằm ngăn ngừa hoạt động "tín dụng đen", nâng cao cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân (đặc biệt là những người dân có thu nhập thấp), kích cầu tiêu dùng và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quốc gia.
Tiềm năng phát triển của thị trường CVTD ở Việt Nam là rất lớn, bởi với số dân trên 90 triệu người, đây là điều kiện vô cùng thuận lợi và là thị trường “khổng lồ” cho lĩnh vực CVTD phát triển. Nếu chỉ 1/9 dân số, tức khoảng 10 triệu người có khoản vay tiêu dùng với mức vay bình quân 50 triệu đồng thì tổng quy mô của thị trường CVTD cũng đã đạt mức 500.000 tỷ đồng, quả là một con số rất ấn tượng!
Mặt khác, việc Chính phủ tiếp tục có nhiều nỗ lực trong cải thiện các thủ tục hành chính, thuế quan cùng với tình hình an ninh chính trị ổn định cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư nước ngoài yên tâm phát triển và thu hút các nhà đầu tư mới, trong đó có đầu tư vào lĩnh vực CVTD.
Soi vào tốc độ phát triển rất nhanh trong vài năm trở lại đây của các kênh tài chính tiêu dùng trong hệ thống ngân hàng và sự ra đời của hàng loạt công ty tài chính với rất nhiều dịch vụ đa dạng chúng ta cũng đã nhận thấy rõ ràng tiềm năng của thị trường này.
Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến khác, đó là việc loại hình cho vay tín dụng này mức lãi suất khá cao,điều này có thể sẽ dẫn đến việc đây là đầu mối của tín dụng đen. Tuy nhiên theo TS. Lê Xuân Nghĩa thì : Tín dụng tiêu dùng lại không phải là tín dụng đen mà đây còn là vị cứu tinh của các khách hàng của nạn tín dụng đen. Bên cạnh đó việc lãi suất cao là vì tín dụng tiêu dùng có mức rủi ro rất cao nên vì vậy lãi suất cũng phải cao.
Cùng quan điểm, chuyên gia tài chính - ngân hàng, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần hết sức tránh sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm: Lãi suất thỏa thuận giữa người cho vay và đi vay trên cơ sở thương mại;Và lãi suất áp đặt trong tín dụng đen, vẫn thường được gọi là lãi suất "cắt cổ".
Sẽ rất khó mở rộng loại hình CVTD nếu như ấn định trần lãi suất chung cùng với các hình thức tín dụng khác. Trần lãi suất dự kiến 20%/năm là hoàn toàn xa rời thực tế, nhất là ở một thị trường đang phát triển và còn phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng như ở Việt Nam, điều này dễ dẫn đến việc lãi suất cho vay không đủ bù đắp chi phí tại các tổ chức tín dụng và do vậy các tổ chức cho vay có thể thu hẹp phạm vi cung cấp dịch vụ, hạn chế kênh cho vay chính thức, mô hình chung sẽ khuyến khích hoạt động cho vay tự phát, trong đó có cả cho vay nặng lãi.
Tổ chức tín dụng là một những định chế cho vay chuyên nghiệp, do đó cho dù được phép thỏa thuận mức lãi suất thì họ vẫn sẽ giữ lãi suất ở mức cạnh tranh và hợp lý nhất, mức này hoàn toàn có thể có tính chất quyết định mức lãi suất của thị trường. Vì vậy, các giới hạn đặt ra đối với cho vay cần tham khảo ngay trên mức lãi suất hiện hành của các ngân hàng và các công ty tài chính, bởi cả hai đều là giao dịch hợp pháp, và các tổ chức tín dụng chịu sự điều chỉnh của Luật Các tổ chức tín dụng và theo xu hướng thị trường.
Hoàn thiện pháp lý, nâng cao sự cạnh tranh
Để tín dụng tiêu dùng có thể phát triển hết tiềm năng của nó, theo các chuyên gia, cần phải hoàn thiện các vấn đề pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các ngân hàng, các công ty tài chính hoạt động.
TS.Nguyễn Thị Kim Thanh cho biết, hiện nay các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực cho vay tiêu dùng đang rất nỗ lực để có thể quản lý hoạt động này với hai mục tiêu chính là bảo vệ người đi vay và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, cung cấp các sản phẩm tài chính phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Phải có một khuôn pháp lý hoàn thiện về các hoạt động của cho vay tiêu dùng thì sẽ đảm bảo sự cân bằng giữa các chức năng bảo vệ người tiêu dùng và kiểm soát được các tổ chức tín dụng theo các điều lệ của quốc tế và phù hợp với thực tế tại Việt nam.Và song song với đó là phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, minh bạch trong các hoạt động cho vay tiêu dùng, tạo ra nhiều sản phẩm phù hợp với nhu cầu, mức lương của người dân tại Việt Nam